Lưu ý Khi Dùng Thuốc

VÍ DỤ LƯU Ý KHI DÙNG THUỐC CEZIL

Vừa qua, Chuyên đề ANTG - Báo CAND nhận được đơn khiếu nại của hai bệnh nhân, nội dung khi đi làm xét nghiệm tại Bệnh viện Triều An (BVTA), rồi sau khi chẩn đoán là bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter Pylori, Thạc sĩ - bác sĩ Đào Thị Lệ Uyển đã kê toa điều trị cho họ mà theo phản ảnh, toa thuốc ấy vừa quá liều, lại vừa đắt..

 

Bệnh viện Triều An - TP HCM: Chữa bệnh hay... bán thuốc?
Vừa qua, Chuyên đề ANTG - Báo CAND nhận được đơn khiếu nại của hai bệnh nhân, nội dung khi đi làm xét nghiệm tại Bệnh viện Triều An (BVTA), rồi sau khi chẩn đoán là bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter Pylori, Thạc sĩ - bác sĩ Đào Thị Lệ Uyển đã kê toa điều trị cho họ mà theo phản ảnh, toa thuốc ấy vừa quá liều, lại vừa đắt.. Để làm rõ thực hư, chúng tôi đã có buổi tiếp xúc với lãnh đạo BVTA…

Theo lời trình bày của bệnh nhân Nguyễn Thị H, thì vài tháng trước đây, cô có những triệu chứng của bệnh đau dạ dày, đồng thời thỉnh thoảng cô lại còn bị dị ứng, da nổi từng mảng đỏ, ngứa.

Ngày 17/8/2009, cô H đến BVTA, rồi được bác sĩ Đào Thị Lệ Uyển thăm khám. Tiến hành cho làm các xét nghiệm như siêu âm, X-quang..., bác sĩ Uyển kết luận cô bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori - là loại vi khuẩn gây ra bệnh viêm loét dạ dày, đồng thời thận trái của cô có một viên sỏi nhỏ, đường kính 2mm. Tổng cộng chi phí cho việc thăm khám ấy, là 1,1 triệu đồng.

Trong đơn thuốc bác sĩ Đào Thị Lệ Uyển kê cho bệnh nhân H, có tất cả 6 chủng loại, mà số lượng thì theo lời một tiến sĩ - dược sĩ,  hiện đang giảng dạy tại Khoa Dược - Trường đại học Y Dược TP HCM: "Kinh hoàng!". 6 chủng loại này gồm: Clabact 500mg 60 viên, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên. Amox 500mg 120 viên,  ngày 2 lần, mỗi lần 2 viên. Néxium 20mg 60 viên,  ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên. Digelase 90 viên, ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên. Rowatinex 180 viên, ngày 3 lần, mỗi lần 2 viên và Cezil 60 viên, ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên, kèm theo lời dặn "tái khám khi hết thuốc".

Bệnh nhân H cho biết: "Khi đưa đơn cho nhà thuốc trong bệnh viện, họ báo giá tổng cộng là 3,3 triệu đồng. Vì không mang theo đủ tiền, em chỉ mua 1/3 liều lượng, hết 1,1 triệu đồng. Chẳng hiểu những loại thuốc ấy như thế nào mà buổi sáng, sau khi uống xong chừng gần một tiếng, em cứ ngủ lơ mơ cho đến trưa, không làm được gì cả. Đi, đứng thì người cứ lao đao như muốn ngã. Buổi tối uống xong, em ngủ tới sáng nhưng lúc thức dậy, người rất ngầy ngật, miệng khô, mắt hoa". Một  giảng viên thuộc Bộ môn Nội tiêu hóa - Trường đại học Y Dược TP HCM, đồng thời cũng là bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược sau khi xem xong đơn thuốc, đã lắc đầu: "Phác đồ điều trị không sai. Nhưng liều lượng thì không thể tưởng tượng được".

Theo dược điển, Clabact (Clarythromycin) là loại kháng sinh thế hệ mới, được dùng để thay thế cho Peniciline trong các bệnh nhiễm khuẩn như  viêm xoang, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phế quản cấp hoặc mạn tính. Nếu phối hợp với một kháng sinh khác - chẳng hạn như Amoxyclin hàm lượng 500mg để chữa loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter Pylori, liều dùng thường là 7 ngày, mỗi ngày 2 viên Clabact 500mg, cộng với 4 viên Amoxyclin 500mg. Theo phác đồ điều trị của Hội Tiêu hóa Việt Nam, thì: "Trường hợp nặng, có thể dùng trong 14 ngày". Riêng Công ty Dược Hậu Giang, là đơn vị sản xuất thuốc Clabact, trong tờ hướng dẫn cũng ghi rõ: "Viêm loét dạ dày, tá tràng do nhiễm Helicobacter Pylori, dùng trong 7 đến 14 ngày tùy theo thuốc phối hợp".

Thế nhưng chẳng hiểu sao, Thạc sĩ - bác sĩ Đào Thị Lệ Uyển lại yêu cầu bệnh nhân phải uống liên tục trong 30 ngày. Vẫn theo tờ hướng dẫn của Công ty Dược Hậu Giang, Clabact có thể gây ra những phản ứng phụ như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nổi mẩn da, ngứa, mề đay, nhức đầu, chóng mặt, giảm tiểu cầu, viêm đại tràng màng gia và nguy hiểm nhất là sốc phản vệ... Chả thế mà sau 5 ngày điều trị, cô H  bị tiêu chảy  mặc dù trong đơn thuốc bác sĩ Uyển kê cho cô, đã có kèm theo men tiêu hóa Digelase.

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là loại thuốc chống dị ứng Cezil (Cetirizin), hàm lượng 10mg, được bác sĩ Uyển kê cho cô H 60 viên, uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên.

 

 

Theo dược điển, tác dụng phụ của loại thuốc này là gây nhức đầu, lơ mơ, có thể buồn ngủ tùy theo cơ địa từng người, khô miệng, mệt mỏi. Vì thế, Hãng sản xuất Alkem Laboratoties đã khuyến cáo: "Không dùng cho người đang lái xe hay vận hành máy móc", còn Hãng Ampharco, thì "Chỉ uống 1 viên duy nhất mỗi ngày". Hãng Lilly cẩn thận hơn: "Nên uống vào buổi tối, sau giờ làm việc". Cô H  nói: "Từ khi uống thuốc, ngày nào em cũng ngủ gà ngủ gật. Bỏ thì không dám vì sợ không hết bệnh. Còn nếu tiếp tục uống, em chịu không nổi nữa".

Tương tự như cô H, ngày 17/8/2009, cô B cũng đến BVTA để xin khám với triệu chứng đau ở vùng thượng vị. Sau khi Thạc sĩ - bác sĩ Đào Thị Lệ Uyển cho làm các xét nghiệm, tổng cộng hết 1,6 triệu đồng, vì có cả khám phụ khoa cô cũng nhận được kết luận, là viêm loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter Pylori. Trong đơn thuốc bác sĩ Uyển ký cho cô mua, vẫn là Clabact 60 viên, Amox 120 viên, Néxium 60 viên, Digelase 60 viên. Mặc dù không bị tiêu chảy như cô H, nhưng cô B than, uống thuốc vào một lát sau thấy buồn nôn, người rất mệt.

Ngày 23/8, chúng tôi  có buổi tiếp xúc với lãnh đạo BVTA. Thoạt đầu, bác sĩ Dương Thanh Trắc, Phó giám đốc phụ trách đối ngoại khi đọc xong hai tờ đơn thuốc mà bác sĩ Uyển kê cho  cô B và cô H, đã nói: "Cái này bình thường mà, có gì đâu. Cho như vầy là đúng (?!)". Nhưng khi chúng tôi nêu ra liều lượng sử dụng của hai loại kháng sinh Clabact, Amox, và nhất là loại thuốc chống dị ứng Cezil, thì bác sĩ Trắc nói: "Bác sĩ Uyển không thuộc khu của tôi. Để tôi giới thiệu anh lên gặp Tiến sĩ, bác sĩ Võ Phi Hùng, Phó giám đốc phụ trách Khoa Nội tiêu hóa".

Tiếp xúc với chúng tôi, và sau khi đọc kỹ hai tờ đơn thuốc, bác sĩ Hùng, nói: "Về điều trị, phác đồ này làm đúng theo quy ước. Đây là khuôn vàng thước ngọc. Viêm loét dạ dày do Helicobacter Pylori phải điều trị như vậy nhưng tổng liều thì đúng là quá lớn. Ngày mai, khi họp giao ban, tôi sẽ yêu cầu bác sĩ Uyển giải trình về việc này".  Chúng tôi đặt vấn đề, Cezil là thuốc mà các hãng sản xuất đều khuyến cáo, rằng với người trên 12 tuổi, chỉ nên uống 1 viên mỗi ngày, nhưng sao lại cho đến 2 viên? Bác sĩ Hùng trả lời: "Tôi nhìn nhận cho như vậy là sai và tôi hứa sẽ không bao giờ còn xảy ra trường hợp tương tự".

Cuối cùng, là chuyện giá thuốc. Theo khảo sát của chúng tôi tại ba nhà thuốc trên đường Thuận Kiều, quận 5, tổng số tiền của đơn thuốc bác sĩ Uyển kê cho cô H, có giá dao động từ  2,6 đến 2,7 triệu đồng. Tuy nhiên, nhà thuốc BVTA lại tính 3,3 triệu. Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Võ Phi Hùng, nói: "Nhà thuốc đó của tư nhân nhận thầu, chứ không phải của bệnh viện". Để kiểm tra, bác sĩ Hùng gọi điện thoại xuống nhà thuốc, rồi nêu tên tất cả những loại thuốc trong đơn, đề nghị cho biết giá. Vài phút sau, nhà thuốc gọi lên, báo giá... 2,7 triệu đồng ?!

Vậy thì, kê toa quá liều do sai sót  về trình độ chuyên môn, hay giúp cho nhà thuốc bán được thuốc?

Vũ Cao

 

Chi tiết thuốc CEZIL

 

Các tin khác